Suy nghiệm thả neo và điều chỉnh Hiệu ứng mỏ neo

Lời giải thích đầu tiên được đưa ra cho hiệu ứng mỏ neo là hiệu ứng này bắt nguồn từ suy nghiệm thả neo và điều chỉnh, một suy nghiệm tâm lý mà con người sử dụng để đưa ra phán đoán. Theo suy nghiệm này, người ta sẽ bắt đầu với một điểm tham chiếu ngầm định hoặc tường minh (gọi là "mỏ neo") rồi điều chỉnh - tăng hoặc giảm giá trị của neo cho đến khi chạm tới phạm vi giá trị hợp lý cho "mục tiêu" đang ước tính. Những điều chỉnh này thường là không đủ, dẫn đến việc mỏ neo ban đầu có ảnh hưởng rất lớn đến các đánh giá trong tương lai. Ví dụ, khi ước tính chu kỳ quỹ đạo của sao Hỏa, người ta thường bắt đầu với chu kỳ quỹ đạo của Trái đất (365 ngày), rồi tăng dần lên đến một giá trị có vẻ hợp lý (thường là dưới 687 ngày - chu kỳ quỹ đạo của sao Hoả).

Daniel Kahneman, một trong những người đầu tiên nghiên cứu về hiệu ứng mỏ neo.

Suy nghiệm thả neo và điều chỉnh được lý thuyết hoá lần đầu tiên bởi Amos TverskyDaniel Kahneman. Một trong những nghiên cứu đầu tiên của họ yêu cầu các đối tượng tham gia tính tích của các số tự nhiên từ 1 đến 8 trong 5 giây. Họ được chia thành hai nhóm; một nhóm được yêu cầu tính 1 × 2 × 3 × 4 × 5 × 6 × 7 × 8 {\displaystyle 1\times 2\times 3\times 4\times 5\times 6\times 7\times 8} , còn nhóm kia thì thấy phép toán 8 × 7 × 6 × 5 × 4 × 3 × 2 × 1 {\displaystyle 8\times 7\times 6\times 5\times 4\times 3\times 2\times 1} . Vì không thể trả lời chính xác kết quả trong thời gian cho phép, các đối tượng buộc phải đưa ra đáp số ước tính sau khi nhân vài thừa số đầu tiên của dãy. Ở nhóm thứ nhất, những phép nhân nhanh đó đưa lại kết quả nhỏ (vì những thừa số đầu tiên là những số nhỏ), dẫn đến ước tính trung bình của cả nhóm là 512; nhóm thứ hai, những đối tượng phải bắt đầu với các thừa số lớn hơn, đã đưa ra đáp số trung bình là 2250 (kết quả đúng là 40320). Trong một nghiên cứu khác cũng của Tversky và Kahneman, những người tham gia được yêu cầu quan sát một vòng roulette có các số nguyên từ 1 đến 100, nhưng được cài đặt để luôn rơi vào ô 10 hoặc 65. Sau đó, các đối tượng được yêu cầu đoán các quốc gia châu Phi chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trên tổng số thành viên Liên Hiệp Quốc. Những đối tượng quay vào ô 10 đã có ước tính thấp hơn (trung bình là 25%) so với nhóm quay vào ô 65 (trung bình là 45%).[3] Thí nghiệm này đã được lặp lại nhiều lần, với nhiều chủ đề ước tính khác nhau.

Một ví dụ khác, trong một nghiên cứu, Dan ArielyDrazen Prelec đã tổ chức một buổi đấu giá. Các khán giả được yêu cầu viết lại hai chữ số cuối của mã thẻ an sinh xã hội và xem xét sẽ trả hoặc không trả số tiền này (ví dụ: nếu hai số cuối là 11 thì số tiền là 11 đô) cho những món đồ không rõ giá trị như rượu vang, chocolate và thiết bị tin học. Sau đó, họ được yêu cầu trả giá cho những mặt hàng này. Những khán giả có hai chữ số cuối mã thẻ an sinh xã hội lớn sẵn sàng trả cao hơn 60% đến 120% so với những người có số bé. Thí nghiệm này chỉ ra rằng những con số cuối mã thẻ đã trở thành mỏ neo.[4] Khi được hỏi có tin rằng con số này cung cấp thông tin về giá trị của món đồ hay không, khá nhiều người đã trả lời là có.[5] Nhằm tránh sự nhầm lẫn này, một số ít nghiên cứu đã sử dụng các quy trình tạo ngẫu nhiên rõ ràng, như nút tạo ngẫu nhiên trong Excel[6]xúc xắc.[7] Hiệu ứng mỏ neo đã không xuất hiện.

Khó khăn khi phòng tránh

Nhiều nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra rằng hiệu ứng mỏ neo rất khó phòng tránh. Ví dụ, trong một nghiên cứu, các sinh viên đã được cung cấp các neo sai. Họ được hỏi tuổi thọ của Mahatma Gandhi là lớn hay bé hơn 9, hoặc 140 tuổi. Rõ ràng là cả hai mỏ neo này đều không đúng, nhưng khi hai nhóm được yêu cầu đoán, ước tính trung bình vẫn khác nhau đáng kể (50 và 67, so với tuổi thọ thực là 78).[8]

Các nghiên cứu khác đã cố gắng loại bỏ mỏ neo theo hướng trực tiếp hơn. Trong một nghiên cứu về nguyên nhân và đặc tính của hiệu ứng mỏ neo, những người tham gia được cung cấp một mỏ neo và phải đoán xem có bao nhiêu bác sĩ được liệt kê trong danh bạ điện thoại địa phương. Ngoài ra, họ đã được thông báo rõ ràng rằng hiệu ứng mỏ neo sẽ làm "ô nhiễm" câu trả lời của họ và họ cần phải cố hết sức để không mắc phải. Nhóm đối chứng của thí nghiệm không được cung cấp neo và cũng không được giải thích gì. Nhưng dù các đối tượng có được cung cấp thông tin gì, mọi ước tính của nhóm thí nghiệm đều cao hơn so với nhóm đối chứng. Kết luận được đưa ra là, dù đã nhận thức được hiệu ứng mỏ neo, những người tham gia vẫn không thể loại bỏ những ảnh hưởng.[9] Một nghiên cứu sau này cho thấy rằng ngay cả khi được cung cấp các ưu đãi tài chính, người ta cũng không thể điều chỉnh một cách hiệu quả từ mỏ neo có sẵn.[10]

Độ bền của neo

Hiệu ứng mỏ neo cũng được chứng minh là vẫn có đầy đủ ảnh hưởng dù các đối tượng có thể tiếp cận với lượng thông tin lớn hơn. Ngược lại, điều này cũng cho thấy rằng trong một khoảng thời gian nhất định (giữa thời điểm cung cấp neo và thời điểm phải đưa ra phán đoán), hiệu ứng này sẽ không bị suy giảm. Ba thí nghiệm liên tiếp đã được tiến hành để kiểm tra thời gian tồn tại của hiệu ứng mỏ neo. Người ta quan sát thấy rằng dù một nửa số đối tượng được cung cấp thông tin chậm hơn một tuần so với nửa kia, những phán đoán các đối tượng đưa ra lại có sự tương đồng khá lớn. Các nhà nghiên cứu kết luận: những thông tin ngoại vi tiếp cận được trong khoảng thời gian trì hoãn ảnh hưởng rất ít đến những neo tự tạo, ngay cả với những mục tiêu thường thấy (nhiệt độ). Điều này cho thấy rằng hiệu ứng neo có thể xảy ra trước hiệu ứng mồi, đặc biệt nếu hiệu ứng neo được hình thành trong quá trình thí nghiệm.[11] Nghiên cứu sâu hơn nhằm kết luận rằng một hiệu ứng được giữ lại một cách hiệu quả trong một khoảng thời gian đáng kể đã chứng minh là không nhất quán.[12][13][14]

Hiệu ứng mỏ neo tập thể

Như câu "Một cây làm chẳng nên non / Ba cây chụm lại nên hòn núi cao", người ta thường cho rằng các nhóm thường quyết định ít thiên vị hơn cá nhân.[15] Tuy nhiên, các phát hiện của những nghiên cứu về giả định này không thống nhất với nhau.[16][17][18][19][20][21][22] Dù vậy, một số nhóm có hiệu quả hơn một thành viên riêng lẻ vẫn có thể "bám neo" bằng hoặc hơn. Điều này có lẽ một phần là do thông tin được truyền đạt, xử lý và tổng hợp dựa trên kiến thức và niềm tin của mỗi người,[23][24][25][26] khiến chất lượng của quá trình ra quyết định giảm sút và từ đó khuếch đại những mỏ neo đã có từ trước.

Nguyên nhân của hiệu ứng mỏ neo tập thể vẫn còn chưa rõ ràng. Các neo tập thể có lẽ đã được thả ở cấp độ nhóm hoặc có thể chỉ đơn giản là tập hợp chung nhất của các neo đơn. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng khi cung cấp một mỏ neo trước khi thí nghiệm diễn ra, các thành viên đơn đã hợp nhất các neo tương ứng để đưa ra quyết định về hướng thả neo chung.[27] Tuy nhiên, sự khác biệt giữa neo cá nhân và neo nhóm vẫn tồn tại. Các nhóm có xu hướng bỏ qua hoặc coi thường thông tin bên ngoài do sự tin tưởng vào quá trình quyết định chung.[28][29][30] Sự hiện diện của các tùy chọn neo trước cũng cản trở mức độ mà các neo bên ngoài ảnh hưởng đến quyết định của nhóm, vì các nhóm có xu hướng phân bổ nhiều trọng lượng hơn cho các neo tự tạo, theo 'giả thuyết chạm neo'.[31]

Một chuỗi thí nghiệm đã được tiến hành để tìm hiểu sâu hơn về hiệu ứng mỏ neo tập thể, cùng các giải pháp khả thi để tránh hoặc giảm thiểu hiện tượng này. Thí nghiệm đầu tiên cho thấy các nhóm thực sự bị ảnh hưởng bởi neo, và hai thí nghiệm còn lại đưa ra các phương pháp để khắc phục. Các phương pháp được áp dụng nhằm giảm ảnh hưởng của hiệu ứng gồm có yêu cầu giải trình [32][33] và tạo động lực bằng cạnh tranh thay vì hợp tác.[34]